GFA và CFA là gì? Cách tính tổng diện tích sàn xây dựng

06 Tháng Mười 2023
gfa là gì

Tìm hiểu các thuật ngữ CFA, NFA, GFA là gì?

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hoặc cho thuê bất động sản luôn có nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Trong đó, GFA, CFA và NFA là những thuật ngữ thông dụng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Vậy NFA, CFA và GFA là gì? Các thông số này có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của The Hallmark để giải đáp mọi thắc mắc!

1. Tổng quan về GFA

Phần dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan về GFA – thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và cho thuê.

1.1. GFA là gì?

GFA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Gross Floor Area”, có nghĩa là tổng diện tích sàn hoặc tổng diện tích mặt sàn. Tổng diện tích này bao gồm tất cả các không gian của một công trình tính từ tầng hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng mái tum và tầng áp mái. Có thể nói, GFA là tổng diện tích sàn xây dựng được cấp phép xây của một dự án. Dựa vào thông số chính xác này, nhà đầu tư có thể kiểm soát và hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình thi công.

diện tích cfa là gì

GFA là tổng diện tích mặt sàn xây dựng

Theo quy định, có một vài khu vực không được tính vào tổng diện tích sàn, bao gồm:

  • Khu vực có mái che hở hoặc không được bao bọc: hiên nhà, sân thượng, sân vườn trên không,…
  • Khu vực không kết nối với tòa nhà: bãi đỗ xe, thang máy, bể chứa nước, hành lang chung nối các tòa nhà,…
  • Khu vực rãnh ống, trục thông khí, ống khói.
  • Khu vực tầng kỹ thuật, phòng điện – cơ khí, thang bộ xuyên suốt các tầng,…

1.2. Ý nghĩa của GFA trong xây dựng

GFA là thông số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình xây dựng một dự án. Theo đó, nó được sử dụng nhằm mục đích:

1.2.1. Tính toán hệ số sử dụng đất

Trước hết, GFA là cơ sở để tính toán hệ số sử dụng đất, nhằm mục đích kiểm soát quy mô công trình và mật độ xây dựng trên mỗi m2 đất. Xem xét rộng hơn, hệ số này có mục đích quản lý và kiểm soát phát triển đô thị, đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố như môi trường, hạ tầng, an toàn và phát triển kinh tế.

1.2.2. Cơ sở xin cấp giấy phép xây dựng

Đối với các công trình dân dụng độc lập, GFA có vẻ ít cần thiết. Tuy nhiên, thông số này lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các công trình lớn và phức tạp. Đây được xem là thông số nền móng để tạo ra những công trình lớn chất lượng. Bên cạnh đó, GFA là cũng cơ sở quan trọng để chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng cho mọi công trình.

Ý nghĩa của GFA

GFA là cơ sở xin cấp giấy phép xây dựng

1.2.3. Dự trù phương án thi công

Tổng diện tích mặt sàn GFA giúp các kỹ sư thi công đưa ra những ý tưởng thiết kế thực tiễn, có thể áp dụng được. Dựa vào thông số này, các kỹ sư có thể tính toán và bố trí các tổ hợp kiến trúc hoặc không gian chức năng một cách hợp lý. Đồng thời cũng có thể chuẩn bị tốt các phương án thi công dự phòng phù hợp.

1.2.4. Tính toán nguyên vật liệu

Cuối cùng, GFA là cơ sở quan trọng để tính toán nguyên vật liệu, nhân công và thời gian hoàn thành công trình. Từ đó giúp cho các bước thi công tiếp theo được diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ dự án.

1.3. Cách tính tổng diện tích sàn xây dựng (GFA)

Hiểu được tầm quan trọng của GFA trong xây dựng, các nhà đầu tư, chủ thầu hay kỹ sư cần phải nắm rõ cách tính thông số này một cách chính xác. Hiện nay, có nhiều cách để tính tổng diện tích mặt sàn xây dựng tùy theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên vẫn có một công thức chung được áp dụng trong hầu hết trường hợp, cụ thể:

GFA = Z x H

Trong đó:

  • Z: Diện tích sàn từng tầng trừ đi các không gian công cộng.
  • H: Số tầng.

Ngoài công thức trên, nhiều người cũng áp dụng cách tính GFA phổ biến dưới đây:

Tổng diện tích sàn xây dựng = Diện tích sàn sử dụng + Các loại diện tích khác đi kèm (móng, mái, sân, tầng hầm,…)

Với công thức này, công trình được chia ra thành bao nhiêu không gian sử dụng thì phải tính tổng bấy nhiêu diện tích để có được tổng diện tích sàn chính xác. Trong đó:

(a) Phần móng:

  • Nếu là móng đơn thì tính bằng 30% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu là móng băng thì tính bằng 50% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu là móng đài xây trên nền bê tông cốt thép thì tính bằng 35% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu móng gia cố bằng bê tông cốt thép thì tính bằng 20% diện tích sàn sử dụng.

(b) Phần mái:

  • Nếu phần mái lát gạch thì tính bằng 10% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu phần mái là bê tông cốt thép, không lát gạch thì tính bằng 50% diện tích sàn sử dụng.

(c) Phần sân: 

  • Nếu diện tích sân là 20m2, xây tường rào, đổ cột và lát nền: tính bằng 100% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu diện tích sân dưới 40m2: tính bằng 70% diện tích sàn sử dụng.
  • Nếu diện tích sân trên 40m2, xây tường rào, đổ cột và lát nền gạch: tính bằng 50% diện tích sử dụng.

(d) Diện tích sàn: 

  • Sàn có mái che: tính bằng 100% diện tích sàn sử dụng.
  • Sàn không có mái che nhưng có lát gạch nền: tính bằng 50% diện tích sàn sử dụng.
  • Diện tích sàn dưới 4m2: tính bằng 70% diện tích sàn sử dụng.
  • Diện tích sàn trên 8m2: tính bằng 50% diện tích sàn sử dụng.

2. Tổng quan về CFA

Bên cạnh GFA, thông số CFA cũng đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phần này của bài viết sẽ giới thiệu tổng quan đến bạn diện tích CFA là gì cũng như cách tính CFA hiệu quả, chính xác.

2.1. CFA là gì?

CFA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Construction Floor Area”, có nghĩa là diện tích sàn điều hòa. Thuật ngữ này được dùng để chỉ tổng diện tích không gian bên trong của một công trình, hay hiểu đơn giản là tổng diện tích của các tầng được bao quanh bởi tường và sàn. Trong đó bao gồm diện tích sàn của tất cả các phòng máy lạnh và gián tiếp trên tất cả các tầng (trần nhà và gác lửng). Tuy nhiên không bao gồm khu vực có mái che, mái hiên, sân thượng ngoài trời, nhà để xe,…

CFA là gì

CFA còn được gọi là diện tích sàn điều hòa

CFA thường được dùng trong các báo cáo kỹ thuật, bản vẽ thiết kế và xây dựng tòa nhà để xác định diện tích sử dụng thực tế của công trình. Để tính toán diện tích CFA, trước tiên ta cần đo đạc chính xác diện tích sàn của công trình đó. Tiếp đến cần xác định không gian nào bên trong tòa nhà được sử dụng và khu vực nào không được sử dụng. Dựa vào đó, ta sẽ tính được CFA để phục vụ cho quá trình thiết kế và thi công công trình.

2.2. Cách tính diện tích CFA

Dưới đây là các bước chi tiết để tính được diện tích CFA:

  • Đầu tiên cần tính toán diện tích sàn của căn phòng, trong đó bao gồm diện tích phòng tắm, nhà bếp, phòng giặt ủi và một vài không gian khác.
  • Tiếp theo lấy diện tích sàn trừ đi diện tích của các khu vực không được tính vào CFA như: phần tường, trụ/cột, khoảng trống các tầng, thang máy, bể chứa nước, hệ thống điện, hệ thống thông gió,…
  • Tính diện tích của các thiết bị không có trên mặt sàn, bao gồm: bàn, ghế, kệ sách, chậu cây,… Bước này giúp bạn xác định được diện tích sàn thực tế mà hệ thống điều hòa không khí cần bao phủ.

Như vậy, với cách tính như trên ta có thể xác định được diện tích CFA của công trình. Lưu ý rằng, CFA chỉ tính diện sàn mà hệ thống điều hòa không khí bao phủ, hay nói một cách đơn giản thì đó là diện tích được sử dụng cho mục đích sống và làm việc. Do vậy, các khoảng trống không được sử dụng thường sẽ không được tính vào CFA.

3. Giới thiệu tổng quan về NFA/NSA

Ngoài GFA và CFA, hai thuật ngữ NFA/NSA cũng được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực xây dựng. Vậy NFA và NSA là gì? Chúng có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Cùng xem ngay trong phần dưới đây!

3.1. Định nghĩa NFA/NSA

NFA/NSA được biết đến là diện tích sàn kinh doanh, có hai cách tính tương đương với hai khái niệm “Tim tường” và “Thông thủy”. Trong đó:

  • Tim tường (hay diện tích phủ bì): là cách tính diện tích đo từ tâm tường ở trung tâm căn phòng. Diện tích tim tường bao gồm: tường bao công trình, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
  • Thông thủy (hay diện tích sử dụng): là diện tích được đo theo những nơi nước có thể đi qua. Trong đó bao gồm: diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó. Lưu ý, diện tích thông thủy sẽ không tính phần tường bao xung quanh ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột và hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Giới thiệu tổng quan về NFA/NSA

Diện tích thông thủy và diện tích tim tường

Trong thực tế, thông thủy là diện tích được ghi trong sổ hồng, còn tim tường thường được sử dụng phần lớn để để tính giá bán.

3.2. Ý nghĩa của NFA/NSA trong xây dựng

  • Diện tích tim tường: là cơ sở quan trọng giúp bạn minh bạch quyền sở hữu căn hộ của mình, điều mà diện tích thông thủy không thể áp dụng được. Tuy nhiên, cách đo diện tích tim tường cũng còn tồn tại hạn chế lớn. Đó là khi căn hộ có nhiều cột chịu lực và hộp kỹ thuật đi qua, các chỉ số tim tường sẽ khiến bạn thiệt thòi hơn.
  • Diện tích thông thủy: được sử dụng nhằm xác định diện tích sử dụng thực tế của căn hộ so với diện tích mà bạn phải bỏ tiền ra để trả. Do vậy, diện tích thông thủy càng gần với diện tích bao ngoài càng tốt. Tùy thuộc vào kết cấu công trình mà diện tích thông thủy có thể mở rộng ở nhiều mức độ khác nhau.

Trong thực tế, người mua hoặc thuê nhà thường không quá chú ý đến diện tích sàn xây dựng hay diện tích thông thủy mà chỉ biết đến diện tích ghi trên giấy tờ mua bán. Điều này dẫn đến thiệt hại từ các khoản phí không đáng có.

4. Phân biệt GFA và CFA

GFA và CFA là hai khái niệm quan trọng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và mua bán bất động sản. Mặc dù đều được dùng để chỉ diện tích của một công trình, song hai thuật ngữ này vẫn có nhiều điểm khác biệt cụ thể như sau:

Đặc điểm CFA GFA
Dịch nghĩa Diện tích sàn điều hòa Tổng diện tích sàn, tổng diện tích sàn xây dựng
Định nghĩa Tổng diện tích không gian bên trong của một công trình, hay hiểu đơn giản là tổng diện tích của các tầng được bao quanh bởi tường và sàn. Tổng diện tích của tất cả các tầng của một tòa nhà, bao gồm cả không gian bên trong và bên ngoài
Ứng dụng Ước tính chi phí xây dựng, tính toán giá bán căn hộ, tòa nhà. Tính hệ số sử dụng đất, ước tính chi phí nguyên vật liệu, nhân công và thời gian thi công.

5. Lời kết

Với những chia sẻ trên đây, bạn chắc hẳn đã hiểu rõ hơn NFA, CFA và GFA là gì cũng như tầm quan trọng của những thông số này trong đầu tư xây dựng. Việc nắm rõ cách tính cho từng loại diện tích sẽ là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu đồng thời hỗ trợ hiệu quả quá trình thi công cho mọi dự án.

Đánh giá bài viết